Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

TienPhongBank - Tham vọng ebanking

Với cơ sở hạ tầng cùng công nghệ hiện đại, nhiều NHTM đang đưa dịch vụ NH điện tử (ebanking) đến gần với khách hàng hơn. Vậy năm nay cuộc đua thu hút khách hàng sử dụng ebanking của các NHTM sẽ như thế nào? ĐTTC đã trao đổi với ông LÊ HỒNG NAM, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tienphongbank chi nhánh TPHCM, về vấn đề này.

 

PHÓNG VIÊN:- Thưa ông, nhiều NHTM đầu tư công nghệ từ rất sớm đã tạo lợi thế ở dịch vụ ebanking. TienPhongBank là NH mới thành lập vài năm nhưng có sự hỗ trợ của FPT, vậy chiến lược này phát triển ra sao?

Ông LÊ HỒNG NAM:- TienPhongBank là 1 trong 3 NH thành lập năm 2008, nhưng được sự hỗ trợ đắc lực của FPT - cổ đông sáng lập – có kinh nghiệm khai thác các giải pháp công nghệ trong hoạt động NH.

Do vậy, ngay từ khi mới thành lập, TienPhongBank đã xác định đầu tư hệ thống NH lõi (corebanking) để khai thác các sản phẩm dịch vụ hiện đại với chất lượng tốt nhất. Từ cơ sở hạ tầng công nghệ này, TienPhongBank có thể khai thác tối đa những lợi thế của các dịch vụ tiện ích cho khách hàng qua kênh ebanking.

Sắp tới, TienPhongBank tiếp tục phát triển các dịch vụ như Internet Banking, Mobile Banking sản phẩm tiết kiệm điện tử.

Theo đó, khách hàng ngồi tại nhà có thể gửi tiền tiết kiệm không cần phải tới NH. Ngoài ra, chúng tôi đã nâng cấp hàng loạt phiên bản Mobile Banking sử dụng tra cứu chuyển tiền, thanh toán tiện ích; tích cực kết nối, hợp tác với các công ty thanh toán trực tuyến cùng khai thác, cung cấp dịch vụ tiện ích, giúp khách hàng giảm thiểu tối đa thời gian do không cần phải đến giao dịch tại NH. TienPhongBank cũng đã được Bộ Tài chính phê duyệt là NH thanh toán thuế trực tuyến.

Đến nay TienPhongBank đã có trên 2.000 điểm thanh toán qua mạng từ Móng Cái đến Bạc Liêu. Khách hàng ngồi bất kỳ ở đâu cũng có thể sử dụng ebanking chuyển tiền thanh toán cho các đối tác trên cả nước. Ngay từ khi triển khai dịch vụ này, chúng tôi đã có chính sách giảm 25-30% chi phí cho khách hàng giao dịch qua ebanking. Khách hàng sử dụng thanh toán, chuyển tiền đến NH đóng phí 10 đồng, nhưng sử dụng qua ebanking chỉ 6-7 đồng.

- Như vậy những tiện ích kênh ebanking mang lại đã rõ, nhưng thách thức trong phát triển dịch vụ này?

- Trước mắt, thị trường tập trung phát triển dịch vụ ebanking là trung tâm các thành phố lớn. Theo đó, khách hàng sẽ đến những điểm giao dịch công nghệ hiện đại để được trải nghiệm những dịch vụ tiện ích.

Nhân viên NH lúc này chỉ có vai trò tư vấn để khách hàng có thể vừa uống cà phê vừa sử dụng Internet Banking. Tất nhiên, ban đầu hiệu quả kinh tế chưa cao do phải đầu tư hệ thống công nghệ chung cho các chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước, dù đối tượng khách hàng sử dụng chỉ tập trung ở khu vực đô thị.

 

Chuyển tiền liên NH qua thẻ của TienPhongBank. Ảnh: L.T

Khó khăn hiện nay là các NH phải liên tục cập nhật những chuyển biến của công nghệ thế giới. Bởi thực tế dịch vụ corebanking mà các NHTM đầu tư 2-3 năm gần đây, những phiên bản mới nhất đã lên đến hàng chục lần.

Hay điện thoại di động, máy tính bảng cũng thay đổi công nghệ, tăng tính năng lên gấp bội, đòi hỏi hệ thống kết nối của NH cũng phải thay đổi theo. Thí dụ, trước đây sử dụng điện thoại Nokia, nay giờ chuyển sang Blackberry, iPhone… mỗi hãng dùng hệ điều hành riêng nên đòi hỏi NH phải cập nhật liên tục.

- Nhiều người dân vẫn e ngại khi sử dụng kênh ebanking vì tính bảo mật. TienPhongBank đã xử lý như thế nào để khách hàng có thể yên tâm?

- Trên thế giới những NH lớn hàng đầu cũng thỉnh thoảng xảy ra những vấn đề trục trặc hay rủi ro về bảo mật trong giao dịch ebanking. Vì thế, các NH ở nhiều nước luôn cải tiến công nghệ bảo mật theo hướng tốt nhất đảm bảo an toàn tài chính và bảo mật thông tin cho khách hàng.

Các NHTM nước ta nói chung cũng như TienPhongBank nói riêng đang áp dụng công nghệ hiện đại nhất mà các NH hàng đầu trên thế giới đang sử dụng. Cụ thể, hệ thống bảo mật của TienPhongBank bao gồm 2 lớp: bảo mật động, bảo mật tĩnh.

Có nghĩa khi khách hàng muốn truy cập vào hệ thống giao dịch chuyển tiền trực tuyến của NH phải sử dụng password (bảo mật tĩnh) đã đăng ký với NH. Còn bảo mật động là giao dịch chuyển tiền phải có OTP Token, là dãy chữ số bảo mật (kết nối hệ thống IT của NH và chạy ngẫu nhiên)… để xác thực giao dịch và bảo đảm chắc chắn tính an toàn cho khách hàng khi giao dịch qua kênh ebanking.

- Ông đánh giá thế nào thị trường ebanking ở Việt Nam?

- Thị trường ebanking ở nước ta còn rất lớn để các NHTM khai thác và gia tăng thị phần. Với hơn 90 triệu dân hiện nay nhưng số người sử dụng dịch vụ ebanking chiếm rất ít. Trong khi đó, tỷ lệ người dân sử dụng hệ thống mạng, điện thoại di động ngày càng tăng, đặc biệt ở những thành phố lớn.

Nắm bắt tiềm năng này, các NHTM đã không ngừng phát triển dịch vụ ebanking và NHTM nào phát triển càng nhanh càng có cơ hội chiếm thị phần lớn.

Đối tượng khách hàng TienPhongBank nhắm đến là công dân 20-45 tuổi, nhóm khách hàng dễ dàng tiếp cận công nghệ, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đặc biệt, dịch vụ ebanking rất thuận lợi cho khách hàng doanh nghiệp trong việc trả lương cho người lao động qua hệ thống ebanking tự động và nhanh chóng.

- Xin cảm ơn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét